Đà Nẵng: Tổng kết thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 Về vấn đề sở hữu đất đai (Tiếp theo...)


Bài 2: Những ưu điểm trong thực hiện chính sách về đất đai từ khi thể chế Hiến pháp năm 1992 và thực hiện Luật Đất đai năm 2003
Các quyền của người sử dụng đất được Nhà nước thiết lập và đảm bảo thực hiện, Nhà nước xác định và thiết lập hệ thống pháp lý để thực thi các quyền sử dụng đất đai cũng như đối với các tài sản gắn liền với đất là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Khả năng tiếp cận tốt hơn tới các thị trường cũng như sự gia tăng dân số dẫn đến xu hướng làm tăng giá trị của đất đai.
Việc giao các quyền về đất đai tác động tới phát triển kinh tế và con người trong dài hạn. Hơn nữa, các thỏa thuận về quyền sở hữu tài sản có thể không có lợi theo cả quan điểm kinh tế lẫn quan điểm xã hội nhưng vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Có 3 lý do giải thích cho sự tham gia của Nhà nước vào việc thiết lập và bảo đảm các quyền sở hữu tài sản đối với đất đai là: không cần phải lãng phí nguồn lực để cố gắng thiết lập các quyền sở hữu tài sản, mang lại công bằng và giảm chi phí cho mọi người nhờ sự qui định của Chính phủ mang tính cưỡng chế, hiệu quả mang lại cao nhờ những thông tin nhất quán giữa các đơn vị hành chính.
Các quyền sử dụng đất đai được pháp luật quy định và bảo đảm cho người sử dụng đất được hưởng thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Nhà nước đóng vai trò quan trọng thông qua việc xác định các quyền sử dụng đất, cách thức để các quyền đó được thực thi.
Thực chất các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn và cho thuê là những biểu hiện của quyền sở hữu đất đai về mặt kinh tế. Hay nói cách khác, việc xác lập các quyền sử dụng đất đai như vậy thực chất là trao cho người dân quyền sở hữu có hạn chế về đất đai. Xác lập quyền sở hữu đất đai bao gồm xác lập quyền sở hữu pháp lý của Nhà nước và quyền sở hữu kinh tế cho những người sử dụng.
Chính sách đất đai đã từng bước thể hiện được sự phân định các quyền năng đối với đất đai giữa Nhà nước và người sử dụng đất; đã thể hiện những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước đối với đất đai, bao gồm những hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân và bảo vệ quyền đó về đất đai. Từ những qui định về giao đất sử dụng ổn định lâu dài đến việc mở rộng các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh đã giúp cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư, bảo vệ và khai thác sử dụng đất có hiệu quả. Đất đai đã được chuyển dịch và tập trung vào những người làm ăn giỏi. Quyền sử dụng đất đai đã trở thành một nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển sản xuất. Việc thừa nhận về mặt pháp lý các giao dịch về đất đai góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản – là một loại thị trường không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.
Nhà nước đã trao hầu hết quyền cho người sử dụng đất, Theo Luật Đất đai năm 2003, chế độ sở hữu toàn dân hiện nay cũng không còn nguyên nghĩa là chế độ công hữu về đất đai nữa. Nhà nước đã trao hết quyền sử dụng cho người sử dụng đất, trao hầu hết các quyền định đoạt cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Nhà nước chỉ còn giữ lại quyền định đoạt về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất.
Thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng đã cho thấy vai trò không thể thiếu của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước bằng chính sách và pháp luật thống nhất thì mới đảm bảo kỷ cương xã hội và lợi ích cơ bản lâu dài; Vai trò không thể thiếu của Nhà nước thể hiện cụ thể thông qua công tác Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất, cấm sử dụng đất sai mục đích, cấm hủy hoại đất, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý các tranh chấp về đất đai, quản lý thị trường đất đai… đó chính là quyền định đoạt cao nhất mà đến nay, chưa một chủ thể nào có thể thay thế được vai trò này của Nhà nước. Vai trò định đoạt của Nhà nước đã thực sự phát huy hiệu quả trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua, bộ mặt đô thị ngày một khang trang, không gian đô thị không ngừng được mở rộng không những đáp ứng yêu cầu cao về tạo dựng chất lượng không gian đô thị mà còn đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, thực sự trở thành nền tảng cho việc tạo dựng nguồn lực phát triển cho đô thị.
Việc quy hoạch được thực hiện đồng bộ, hài hòa đặc biệt các tuyến đường giao thông mới được mở ra, kết hợp quy hoạch giải tỏa để sắp xếp lại hai bên đường một cách đồng bộ đáp ứng được yêu cầu về không gian đô thị nên không có tình trạng những ngôi nhà siêu mỏng trên các tuyến phố lớn hoặc những ngôi nhà từ trong kiệt, hẻm tự nhiên ra mặt phố. Để đạt được hiệu quả nhất định về mặt cảnh quan đô thị, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, còn cần có sự phấn đấu của nhiều ngành, nhiều cấp, có sự đồng thuận của nhân dân mới tạo dựng được bộ mặt cho đô thị Đà Nẵng như hôm nay. Trong công tác chỉnh trang đô thị, thành phố thực hiện khá thành công theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo Nghị quyết của HĐND thành phố đã thực sự đem lại hiệu quả, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, trật tự an ninh của địa phương. Những vị trí nhà đất trước đây nằm trong kiệt, hẻm, đường đi nhỏ hẹp, sau khi người dân tự nguyện hiến một phần đất và Nhà nước đầu tư kinh phí để mở rộng đường thì giá trị của mãnh đất đó đã tăng lên đến mấy chục lần nên quyền lợi của người dân vẫn được đảm bảo và bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
Thực tế thời gian qua, Đà Nẵng đã vận dụng tốt chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trên cơ sở kết hợp với thị trường đất đai để thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị. Việc sở hữu toàn dân về đất đai giúp hình thành chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, cũng hỗ trợ chính sách an sinh xã hội với các dự án ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho người thu nhập thấp, thực hiện chính sách “có nhà ở” trong Chương trình “3 có” mà Đà Nẵng đã áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua.
(còn nữa)
                                         Cổng thông tin đà nẵng - Nhà đất đà nẵng    Nguyễn Quang Vinh - Sở TNMT
Đà Nẵng: Tổng kết thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 Về vấn đề sở hữu đất đai (Tiếp theo...) Đà Nẵng: Tổng kết thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 Về vấn đề sở hữu đất đai (Tiếp theo...) Reviewed by Unknown on 11:06 AM Rating: 5

No comments: