Bài 1: Chế định về sở hữu đất đai theo quy định của Hiến pháp
Đất
đai có vai trò hết sức quan trọng, là bộ phận lãnh thổ quốc gia, là tư
liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt. Do đó, chế độ sở hữu với đất đai đã
được cụ thể hoá trong đạo luật cơ bản của nhà nước ta đó là Hiến pháp.
1. Chế định sở hữu đất đai qua Hiến pháp 1946, 1959 và 1980
Hiến
pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai;
chỉ đến Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân,
mà không có một cơ chế kinh tế, xã hội nào để chuyển tất cả các loại sở
hữu khác nhau trước đó về sở hữu toàn dân về đất đai.
2. Chế định sở hữu đất đai qua Hiến pháp 1992
Hiến
pháp năm 1992 – hiến pháp của thời kỳ đổi mới – tiếp tục giữ nguyên chế
độ sở hữu toàn dân về đất đai. Như vậy, từ Luật Đất đai năm 1988 cho
đến nay (Luật Đất đai 2003) đều được hình thành theo chế định cơ bản của
sở hữu toàn dân về đất đai như Hiến pháp đã xác lập.
Chế định sở hữu về đất đai đã được quy định tại Điều 17 và Điều 18 Hiến pháp năm 1992, cụ thể:
“Ðiều
17. Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất,
nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do
Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh
vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc
phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà
nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.
Ðiều 18. Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.
Tổ
chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử
dụng tiết kiệm đất, được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao
theo quy định của pháp luật.”
Dưới
góc độ khoa học pháp lý, cơ sở của việc định đoạt này được xuất phát từ
việc đất đai vốn là một sản phẩm của tự nhiên, tồn tại ngoài ý muốn của
con người, có trước con người và không phải do con người tạo ra.
Bên
cạnh việc tiếp tục khẳng định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân
được ghi nhận trong Hiến pháp 1980, Hiến Pháp năm 1992 (đã được sửa đổi
bổ sung) Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật sửa đổi bổ
sung một số điều của Luật đất đai năm 1998 và năm 2001, Luật
đất đai năm 2003 đã xác định rõ, cụ thể nội hàm của sở hữu toàn dân về
đất đai. Đó là quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại
diện chủ sở hữu” (khoản 1 điều 5 Luật đất đai năm 2003).
Như
vậy, lần đầu tiên vai trò của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu
đất đai đã được pháp luật quy định rõ. Điều này có nghĩa là đất đai ở
nước ta thuộc về sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà
nước thay mặt toàn dân đứng ra thực hiện các quyền năng cụ thể của chủ
sở hữu nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu - toàn dân. Nhà nước thể
hiện vai trò, chức năng của người đại diện chủ sở hữu duy nhất và tuyệt
đối; là chủ thể quản lý đất đai và quyết định những biện pháp và cách
thức thực hiện các quyền năng của đại diện chủ sở hữu.
2.1. Về các quyền của chủ sở hữu:
Khái
niệm quyền sở hữu được hình thành rất sớm, chưa có tài liệu nào có thể
khẳng định được chính xác thời điểm hình thành khái niệm quyền sở hữu.
Chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng một số khái niệm khác của luật dân
sự phát sinh muộn hơn, và thậm chí còn được coi như một hệ luận của
quyền sở hữu (như khái niệm thừa kế, sở hữu trí tuệ, …). Hơn thế nữa,
khái niệm quyền sở hữu trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau,
mỗi giai đoạn mang những nét đặc trưng riêng. Quyền sở hữu được hiểu
dưới góc độ là mức độ xử sự (quyền năng) mà pháp luật cho phép chủ sở
hữu được thực hiện các hành vi nhất định (như chiếm hữu, sử dụng, định
đoạt) lên tài sản theo ý chí của mình (nghĩa chủ quan). Dưới góc độ này,
quyền sở hữu được coi là một trong những quyền năng cơ bản nhất mà một
chủ thể có thể có được đối với tài sản (bên cạnh các quyền khác đối với
tài sản như quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, quyền dụng ích
cá nhân, …).
Điều
173 Bộ luật dân sự quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu,
quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định
của pháp luật”.
2.1.1. Về quyền chiếm hữu:
Điều
182 Bộ Luật Dân sự quy định: “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý
tài sản”. Đây là quyền có ý nghĩa quan trọng nhất của chủ sở hữu, là
điều kiện pháp lý tiên quyết, quyết định 02 quyền sử dụng và quyền định
đoạt. Việc quản lý tài sản thể hiện thông qua phương thức quản lý và nội
dung quản lý.
* Về phương thức quản lý đất đai
Điều 7 Luật Đất đai năm 2003 quy định:
“Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”.
Như
vậy, đất đai ở nhà nước ta thộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện
chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền đại diện thông qua hệ thống cơ quan
quyền lực là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cụ thể:
Quốc hội với
tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền ban hành
pháp luật về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả
nước; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng
đất đai trong phạm vi cả nước.
Chính
phủ quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc
phòng, an ninh; thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả
nước.
Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.
Uỷ
ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và
quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định”.
Bên
cạnh đó, Luật Đất đai cũng giao trách nhiệm cho “Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và công dân có quyền hạn và
trách nhiệm giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, phối hợp với các
cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của
Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai.”.
Như
vậy, với tư cách là đại diện chủ sở hữu, nhà nước thực hiện quyền chiếm
hữu của mình bằng cách thông qua các biện pháp pháp lý cũng như các
biện pháp kỹ thuật để quản lý đất đai trong phạm vi cả nước, cũng như
trong từng địa phương. Việc quản lý đất đai được thực hiện thống nhất
nhưng có sự phân công, phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương.
Theo đó, địa phương chủ động thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất
đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương trên cơ sở tuân thủ
các quy định của pháp luật về đất đai.
* Về nội dung quản lý đất đai của Nhà nước
Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai thông qua 13 nội dung quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai năm 2003.
Như
vậy, nhà nước thực hiện việc quản lý đất đai thông qua hệ thống các văn
bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời trực tiếp
tổ chức thực hiện tất cả các nội dung trên, nhằm bảo đảm việc quản lý
đất đai một cách thống nhất và toàn diện.
2.1.2. Quyền sử dụng đất đai
Là
quyền khai thác những thuộc tính có ích của đất để phục vụ
cho các mục đích phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Nhà
nước không trực tiếp sử dụng đất mà gián tiếp sử dụng thông
qua các hành vi giao đất, cho thuê đất v..v… thu thuế chuyển
quyền sử dụng đất…
Nhà
nước không mất đi quyền sử đất khi giao đất cho người sử dụng
đất khai thác, sử dụng. Cũng như quyền chiếm hữu, quyền sử
dụng đất của nhà nước là vĩnh viễn, trọn vẹn trên phạm vi cả
nước. Quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
hạn chế bởi không gian, thời gian và mục đích sử dụng.
2.1.3. Quyền định đoạt đất đai
Là
quyền quyết định số phận pháp lý của đất đai. Đây là quyền
năng duy nhất và tuyệt đối của chủ sở hữu. Các tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân sử dụng đất được nhà nước bảo hộ các quyền
và lợi ích hợp pháp nhưng không có quyền định đoạt đất đai.
Mọi hành vi vi phạm đến quyền sở hữu đất đai đều có biện
pháp xử lý thích đáng.
Quyền
định đoạt đất đai không giống quyền định đoạt tài sản trong
dân sự, nó được ghi nhận tại khoản 2, Điều 5 Luật Đất đai năm
2003, như sau:
- Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất;
- Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất;
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Định giá đất.
2.2. Mối quan hệ giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất
2.2.1. Cơ sở pháp lý phát sinh quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Ở
Việt Nam, do tính chất đặc thù của chế độ sở hữu đất đai: đất đai thuộc
sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu song trên thực tế Nhà
nước lại không chiếm hữu, sử dụng đất đai mà giao đất, cho thuê đất,
công nhận quyền sử dụng đất đang sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân sử dụng ổn định lâu dài. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử
dụng đất trong thời hạn sử dụng đất. Lý luận về quyền và nghĩa vụ của
người sử dụng đất ở nước ta hình thành và phát triển dựa trên quan điểm
xác định quyền lợi của người lao động là động lực trực tiếp phát triển
xã hội trong lĩnh vực đất đai; theo đó, hộ gia đình, cá nhân là đơn vị
kinh tế tự chủ trong sản xuất nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất sử dụng ổn định lâu dài và được chuyển quyền sử dụng đất.
Việc công nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của người lao
động đã đưa lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: nước ta từ chỗ là nước thiếu
lương thực đã tự túc được vấn đề lương thực và trở thành nước xuất khẩu
gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Như vậy, quyền sử dụng đất phát sinh trên
cơ sở quyền sở hữu toàn dân về đất đai thông qua việc Nhà nước với tư
cách đại diện chủ sở hữu giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử
dụng đối với đất đang sử dụng ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế quyền sử
dụng đất trở thành một loại quyền có tính độc lập tương đối.
2.2.2. Mối quan hệ giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất
Mối quan hệ giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất được biểu hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau đây:
Thứ
nhất, do tính chất đặc thù của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước
ta nên quyền sử dụng đất được hình thành trên cơ sở quyền sở hữu toàn
dân về đất đai. Điều này có nghĩa là người sử dụng đất có quyền sử dụng
đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất sử dụng ổn định lâu dài.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật người sử dụng đất có quyền chuyển
đổi, quyền tặng cho, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, quyền cho
thuê lại, quyền thừa kế quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, quyền bảo
lãnh và quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất nên quyền sử dụng đất tách
khỏi quyền sở hữu đất đai và trở thành một loại quyền tương đối độc lập
so với quyền sở hữu;
Thứ
hai, mặc dù, quyền sử dụng đất được tham gia vào các giao dịch chuyển
nhượng trên thị trường song giữa quyền sở hữu toàn dân về đất đai và
quyền sử dụng đất vẫn có sự khác nhau và chúng ta không thể đồng nhất
giữa hai loại quyền này; bởi lẽ, giữa chúng có sự khác nhau cả về nội
dung và ý nghĩa, cụ thể:
- Quyền sở hữu đất đai là quyền ban đầu (có trước) còn quyền sử dụng đất đai
là quyền phát sinh (có sau) xuất hiện khi được Nhà nước giao đất hoặc
cho thuê đất, cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất hay công nhận quyền
sử dụng đất;
-
Quyền sở hữu đất đai là một loại quyền trọn vẹn, đầy đủ còn quyền sử
dụng đất đai là một loại quyền không trọn vẹn, không đầy đủ;
Tính không trọn vẹn, không đầy đủ của quyền sử dụng đất thể hiện ở các khía cạnh sau:
Một là, người sử dụng đất không có đầy đủ các quyền năng như Nhà nước với tính cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai;
Hai
là, không phải bất cứ người nào có quyền sử dụng đất hợp pháp cũng có
quyền chuyển đổi, tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, cho thuê
lại, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
Cụ thể như, theo Điều 113 Luật đất đai năm 2003 thì chỉ có hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê mới có quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông
nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân
khác; Còn các chủ thể sử dụng đất khác không được pháp luật cho hưởng
quyền năng này;
Hay
Điều 111 Luật đất đai năm 2003 quy định: Tổ chức kinh tế được Nhà nước
cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm chỉ có quyền bán,
thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền
với đất thuê mà không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, thế chấp,
bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê;
Hơn
nữa, không phải đối với bất cứ người sử dụng đất nào cũng có đầy đủ 9
quyền năng của chuyển quyền sử dụng đất do pháp luật đất đai quy định.
Về cơ bản, chỉ những người sử dụng đất theo các hình thức: giao đất trả
tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân
sách nhà nước; thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê
hoặc thuê đất trả trước tiền thuê cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã
được trả tiền còn lại ít nhất là năm năm mới được pháp luật cho hưởng 9
quyền năng của chuyển quyền sử dụng đất;
Ba
là, quyền sở hữu đất đai là một loại quyền tồn tại độc lập còn quyền sử
dụng đất lại là một loại quyền phụ thuộc. Tính phụ thuộc của quyền sử
dụng đất thể hiện ở chỗ người sử dụng đất không được tự mình quyết định
mọi vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng đất mà chỉ được quyết định
một số vấn đề, còn cơ bản họ vẫn phải hành động theo ý chí của Nhà nước
với tư cách là người đại diện chủ sở hữu đối với đất được giao.
Ví
dụ: Sau khi làm xong các thủ tục pháp luật để chuyển nhượng hoặc chuyển
đổi quyền sử dụng đất… thì người nhận chuyển quyền sử dụng đất phải sử
dụng đất theo đúng mục đích ban đầu trước khi chuyển giao, không được
tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng. Nếu làm trái quy định này được coi
như là một hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và hậu quả
của nó là Nhà nước sẽ thu hồi đất.
(còn nữa)
Cổng thông tin đà nẵng - Nhà đất đà nẵng - Nguyễn Quang Vinh - Sở TNMT
Đà Nẵng: Tổng kết thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 Về vấn đề sở hữu đất đai bài 1
Reviewed by Unknown
on
11:03 AM
Rating:
No comments: